Cha mẹ tôi cũng chỉ là một trong hàng chục triệu các đấng sinh thành, suốt cả cuộc đời không một bữa no, không chiếc áo lành, đầu đội nón mê, tong tả đi bộ khắp chốn cùng quê, thế mà sinh ra và nuôi một thế hệ cứu đất nước này tre bi ho tre bi ho.
Kể từ lúc sinh ra và hiểu biết về cuộc đời, Tết năm nào tôi cũng có mẹ, dù ở gần hay rất xa, đôi khi là nửa vòng trái đất, nhưng vẫn cảm giác có bà bên cạnh.
“Mẹ ký”…
Những năm 1960 các con còn bé, đến Tết được mẹ mua quần áo mới. Bà sang chợ Hối hay chợ Trường Yên vào phiên tất niên, móc những hào cuối cùng để mua quần áo cho 08 đứa lít nhít. Có quần mới thì thôi áo, được áo thì dùng tạm quần cũ, hoặc thửa lại của anh chị.
Nhớ hai cô em gái quen mặc nâu sồng, mẹ mua áo hoa, bảo mặc thử, nhưng nhất định không vì sợ mầu mè. Mẹ tức, phát cho mấy cái vào mông, các cô phải nghe theo. Nhưng mặc vào rồi, bảo cởi ra sau ba ngày Tết để dành sang năm cho mới, các em lại khóc, không chịu bỏ áo mới.
Tôi là con thứ trong nhà, quần áo cho năm mới là của các anh lớn hơn để lại, mẹ không đủ tiền sắm cho gần chục đứa con đang tuổi lớn.
Vào lớp 05 thì người lớn rồi. Mẹ mua mảnh vải xanh công nhân, nhờ ông cậu may cái quần phăng, túi vải trắng. Đợi mãi tới chiều 30 Tết, cậu mới may xong, có những năm vì cậu bận, sau tết mới có quần mới. Lần đầu có cái quần có túi trước túi sau, sao mà hãnh diện, dù cái áo đã sờn, vá mấy miếng.
Tết quê thuở ấy là chiếc bánh dúm gói bằng lá chuối khô, ngoài là bột gạo nếp, trong là nhân tóp mỡ, chút đậu xanh. Là cái bánh chưng rùa cha gói cho mỗi đứa một cái gọi là quà năm mới. Là cái đuôi lợn cho năm anh em chỉ được mút. Là chút tóp mỡ mẹ rán, là bát cơm nguội rang có mỡ láng dưới đáy.
Không vì đói kém và lầm than mà các con của mẹ không thành người. Tôi may mắn được du học. Bảy năm liền xa nhà, trong trí nhớ vẫn là quần áo mới, miếng tóp mỡ. Sau 03 ngày Tết là bánh chưng lại gạo được đem rán lại vàng ươm.
Không biết viết, mẹ tôi thường đọc những gì muốn nói cho các anh các chị viết vào thư. Mẹ nhớ thương con đất khách quê người, ở bên đó chỉ có bánh mỳ, không có bánh chưng. Không có những thứ đó còn gì là năm mới nữa, dẫu rằng thời ở quê, mấy thứ đó chỉ thoáng qua. Rồi bà dặn, con nhớ học hành cho bằng chị bằng em, đừng ăn cắp, đừng làm hại ai, mà trời phạt.
Bà nghe đọc lại và run run viết ở dưới “Mẹ ký” bởi cụ học hết lớp 01 bổ túc. Một tháng sau, lũ sinh viên đón thư xuân, đọc to cho cả lũ cùng nghe, cùng cười và cùng khóc.
Xuân xa nhà vẫn có bánh chưng ảo mẹ kể, vẫn có miếng giò cha gói như thư mẹ viết, vẫn có hương vị quê hương, những bà mẹ tần tảo vẫn luôn ở bên các con. Dù rằng các cụ không cần may áo mới hay lo mỗi độ xuân về lấy gì cho các con ăn ba ngày Tết, dù biết rằng con đã sung sướng, nhưng vẫn không hết lo.
Ảnh minh họaTết của mẹ, của cha
Về Hà Nội công tác từ 1977, năm nào tôi cũng về ăn tết ở quê như bao đứa con bỏ quê đi làm xứ người. Thời dùng xe đạp phải 06 tiếng trên quốc lộ 01 mới về đến nhà. Chiều đi Ninh Bình dễ hơn vì gió mùa đông bắc thổi sau lưng, đạp nhanh hơn. Nhưng lúc ra ngược gió, đi cả ngày mới tới Hà Nội. Không mang xe đạp về thì đi chơi không có phương tiện đi lại, các cụ lại buồn, con không đủ tiền sắm cái xe đạp. Xe đạp ở quê ngang bằng cái Mercedes ở thành phố bây giờ.
Sau rồi xe cũng hỏng, chẳng dám đi xa, đành khoác cái bị về quê. Đi xe bus ở bến Kim Liên khai mù, xếp hàng từ 05 giờ sáng tới 10 giờ, vừa bán ba, bốn vé nhà hàng đã tuyên bố hết. Không ai nghĩ, sự lừa đảo bắt đầu từ thời đó. Đút lót cho lái xe mấy đồng lương còm cõi, được ngồi trên sàn, người ta nôn mửa ra đầy cũng chẳng sao, cốt về với mẹ là được rồi. Lúc ra, mẹ cho gạo, cho trứng gà, túi đầy hoa quả trong vườn.
Sau này có xe máy nhẹ nhàng hơn. Mẹ chỉ cần nghe tiếng máy nổ cũng biết, à, nó đang về rồi. Chiều 30 mà con chưa về, hai cụ đứng ngồi không yên, thở ngắn thở dài. Có lần về muộn, xe lại chết máy, tôi dắt xe từ cầu Gián Khẩu mãi tối mò mới về. Mẹ tôi cười rạng rỡ “Cha tiên bố nhà anh, cứ tưởng không về”. Vì nụ cười của mẹ, mà tôi chưa bỏ tết quê bao giờ.
Có một năm không về do bị ốm, ông già lầm bầm, chắc nó lý do lý trấu gì đây, lại không có tiền về quê. Tao có cần mấy đồng bạc đâu, thấy cái mặt nó về mấy ngày cho đỡ nhớ con thôi.
Tôi về là các cụ khoe khắp xóm: “Cháu nó mới ở Hà Nội về”, rồi mời bà con đến chơi để ăn kẹo, hút thuốc lá. Định đi Hà Nội, các cụ lại gàn, anh ở nhà vài ngày hết Tết rồi hãy đi.
Nhưng rồi với thời gian, những chuyến về quê ngắn dần, lý do thì đủ kiểu. Sau này có con cái khó hơn, ở được 02 ngày là tối đa. Mỗi lần cả nhà tôi ra Hà Nội, mẹ lại nước mắt ngắn dài.
Tôi có cháu nhỏ, mẹ ra ở luôn mấy năm liền. Nhưng đến Tết là cụ đòi cả nhà về theo. Năm 2005 gia đình sang Mỹ, bà mới về quê ở hẳn.
Lần nào về thăm, bà cũng giữ, rồi nói, con sống xa nhà, mẹ thương các con, các cháu lắm. Rồi bà khóc, không hiểu lần sau mẹ có nhìn được các cháu không. Chục năm qua, năm nào tôi cũng về vài lần, và lần nào cũng ở với bà vài ngày, có lần ăn Tết cả tuần.
Mẹ ơi, con đã về đây…
Cuối tháng 9-2013, nghe tin bà ốm nặng, dù sáng hôm sau đi công tác Á Châu, nhưng cả nhà vẫn kịp lo vé máy bay chuyến Washington DC – Seoul – Hà Nội. Tới Seoul ba mẹ con về Hà Nội, còn tôi tiếp tục chuyến đi Jakarta. Cuối tuần đó, biết mẹ ốm nặng hơn, khó qua, từ Jakarta tôi về Ninh Bình.
Dù nằm trên giường gần như bất động, nhưng nghe tiếng tôi “Mẹ ơi, con đã về đây”, bà nấc lên. Ở nhà kể, hôm ba mẹ con về, nghe các cháu chào, nước mắt bà cũng chảy hai bên gò má. Bà nghe được hết, nhưng không nói được.
Mọi sự như có sự sắp đặt của trời đất, rất may cả nhà về với bà đúng lúc, bà biết, bà nghe được hết. Có lẽ lúc cụ sống, tu nhân tích đức, nên về già được hưởng tất cả tình thương yêu của con cháu. Thế rồi mẹ lặng lẽ ra đi, về ở cùng bên cạnh cha.
Lúc sống cha tôi rất thích xem tivi. Mỗi lần ra Hà Nội, cụ sang nhà hàng xóm xem nhờ suốt cả tối vì con trai quá nghèo. Khi các con đủ tiền mua tivi thì cha bị tai nạn, hỏng mắt và nặng tai chẳng nghe thấy gì. Cụ còn khỏe, ăn được thì chẳng có gì ăn. Nhưng khi con cái có của ăn của để cụ nuốt không trôi. Cha ra đi trong sự nghèo khó suốt một đời.
Đến lượt mẹ có khá hơn chút. Nhưng cụ mong con cái về Tết lâu hơn thì đứa nào cũng bận bịu. Gia đình 08 đứa con ấy dần dần phiêu bạt phương xa, để lại nỗi buồn thương cho người ở lại.
Lúc mẹ tôi ra đi, các cụ trong xóm đến tiễn đưa, thường nhắc đến một bà cụ nuôi tám đứa con bằng tấm khăn vuông đen chít đầu mỏ quạ. Mang một rổ rau sang chợ, bán được con cá, con cua, bà đong một bơ gạo, cho vào tấm khăn, mang về cho các con đã khóc khản cổ vì đói.
Trong những cái lo của các bậc cha mẹ ở quê là lo cái tết cho các con được no, có quần áo lành lặn, và sau đó là tháng ba ngày tám, cái đói giáp hạt cận kề. Cha mẹ tôi cũng chỉ là một trong hàng chục triệu các đấng sinh thành, suốt cả cuộc đời không một bữa no, không chiếc áo lành, đầu đội nón mê, tong tả đi bộ khắp chốn cùng quê, thế mà sinh ra và nuôi một thế hệ cứu đất nước này.
Khi cuộc sống khá hơn, các cụ lại lo các con không về ăn tết. Có người thì con cái nằm lại chiến trường, sống trong khổ đau và nghèo khó đến tận cuối đời. Sự chờ đợi trở nên vô vọng.
Các cụ đi xa rồi mới thấy nỗi mong của cha mẹ thiêng liêng làm sao. Tự nhiên ước hai thân còn, tôi sẽ về quê trong những ngày này. Đợi cha hỏng mắt mới mua tivi và mẹ xa rồi mới thấy tiếc, thì mọi việc trở nên quá muộn.
Hôm trước xem lịch thấy sắp đến Tết. Tự nhiên thấy hụt hẫng khi biết năm nay không còn mẹ đợi con cháu về quầy quần như hơn nửa thế kỷ qua. Ngôi nhà đã sang tên cho chú em, mảnh vườn đã làm nhà thờ, dù có khang trang, nhưng không còn cha mẹ ngóng chờ trước cửa mỗi độ xuân về tràng phục linh.
Mẹ ơi, cha ơi!…
Hiệu Minh (Washington DC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét