TinTử hình cho màu xanh
Published on February 2, 2015 · No
TTXVA BIÊN TẬP
Tử hình cho màu xanh, tùy bút của nhà văn Mai Thảo – lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí Khởi Hành do nhà văn Viên Linh chủ biên ở Sài Gòn trước 1975 khay nhựa công nghiệp tư vấn tái cấu trúc doanh nghiệp Tin tức . Được báo Thư quán Bản thảo do nhà văn Trần Hoài Thư sưu tầm từ thư viện của các đại học lớn ở Hoa Kỳ, cho in lại vào số đặc biệtTạp chí Khởi Hành và những hoài niệm số 62, tháng 12 năm 2014.
<
Tôi còn nhớ năm ngoái, cũng vào tháng này, trong một buổi tiếp tân tại tư thất một người bạn làm phóng viên cho nhiều hãng thông tấn quốc tế, một nữ phóng viên Gia Nã Đại đã tươi cười trả lời, lập tức, khi tôi hỏi cô về những vẻ đẹp hàng đầu đáng ghi nhớ nhất về thủ đô và thành phố chúng ta : “Thì đó, những cái đẹp tươi sáng của một thành phố nhiệt đới, gần biển. Cái đẹp rực rỡ của những mái ngói đỏ chói, rười rượi của những bức tường nắng vàng. Cái nắng trên thành phố này vạm vỡ và nhảy múa. Bởi vậy mà Sài Gòn không phải là một thị trấn buồn rầu”. Rồi im lặng một giây và nghìn lần yêu thích hơn : “Đẹp nhất là màu xanh. Phải, đẹp nhất là cái cõi lá xanh, bóng xanh đậm, nhạt, bát ngát của Sài Gòn. Đâu đâu ở đây, tôi cũng gặp những con đường mát lạnh dưới lá, những thảm cỏ ngon mắt, những hàng cây cao vút, những công viên um tùm. Ít có một kinh thành thế giới bây giờ còn giữ gìn được trên nó nhiều mầu xanh và nhiều cây cối như vậy. Anh không thấy sao ?”.
Thấy. Nhưng từ một mùa mưa năm ngoái đến mùa mưa năm nay, những vẻ đẹp của Sài Gòn, mà người nữ phóng viên ngoại quốc khả ái kia đã đáp tàu về nước và đã mang theo, những vẻ đẹp ấy không còn nguyên vẹn nữa. Thành phố chúng ta vẫn đẹp. Cái nắng buổi trưa ở đây vẫn rực rỡ, cái nắng buổi sớm vẫn óng ánh, cái nắng buổi chiều vẫn dịu dàng. Đường Hồng Thập Tự, đường Hiền Vương, vẫn những mái ngói đỏ chói, những bức tường vàng nắng nằm dưới những tàng cây xanh lam. Trên những con đường đi vào Chợ Lớn, khởi từ phía Ngã Bảy, vẫn những hàng cây cao vút xếp hàng. Sài Gòn còn hoa trên những gờ mái, còn lá trên những đầu cổng, và con phố của nhiều khu vực vẫn tươi xanh như thể cỏ đồng. Nhưng cái lưới xanh, cái thảm lục, cái mái biếc, cái vòm bóng mát bóng râm um tùm đậm đặc ấy đang ngày lại ngày thu nhỏ mãi lại. Loạt án tử hình thứ nhất đã đính vào những thân cây. Những cõi xanh trên cành, những cõi xanh ngang trời, những vòm xanh trên đầu đang rụng xuống. Tan vỡ. Nức nở. Không phải là ở những cánh rừng biên giới, những mật khu sình lầy, những độc đạo hành quân, mà đã lan nhập vào đây cái hiện tượng khai quang. Tôi nghĩ mỗi gốc cây khô, mỗi đời cây chết, mỗi vì cành héo rũ và mỗi đỉnh cây chặt cụt của Sài Gòn nếu cùng được, trước giờ hóa kiếp đồng loạt kêu lên, cái tiếng kêu của tập đoàn xanh lam đang chịu án tử hình sẽ là một tiếng khóc lớn lao kín trùm và thê thiết hơn hồi còi báo động về đêm.
Khu phố tôi ở từ đầu năm nay cũng có thật nhiều những tiếng khóc nức nở không tiếng ấy của loài cây phố. Từ một năm nào, lòng đường ở đây đã được mở rộng một lần. Con phố hẹp chật một chiều mang trong nó cái ngưng đọng thơ mộng của một linh hồn ngõ đã biến hình. Hai mái tóc cây song song thình lình mất đi một mái. Những hàng giây điện ở một phía, thôi hết thấp thoáng. Những lũ mái nhà, ở một phía, chẳng còn võng xanh. Cũng phía đó, từng buổi sớm nắng, bóng lá thôi nhảy múa trên tường, và từng buổi chiều mưa, những bực thềm, những đầu cổng hói đầu đã mất đi cái âm thanh va đập lạt sạt. Xe cộ có chảy vào đông hơn. Thành một giòng suối mới. Nhưng lòng phố cũ mang hình ảnh của hai bờ xanh lam ôm ấp, cái con suối cũ đã một bờ cái áo lá dịu dàng lướt thướt bay đi. Và bây giờ, thì trên cái phía còn lại bên này, là những cây đời chết tiếp. Thật là một cảnh tượng tội nghiệp. Thê thảm. Và phản mỹ thuật. Từ cửa sổ buồng tôi ngó ra, nhìn dọc theo một hè đường chợt quang đãng bằng một quang đãng bất thường, từng buổi sớm thức dậy, tôi đã chứng kiến cái tiến trình ghê rợn ấy của một hàng cây phố trút thoát dần dần mọi thể loại sinh khí. Những cây đời rụng tóc đen dần. Khô dần. Chết dần. Cái trạng thái rũ liệt đồng loạt này của thảo mộc đứng thẳng chậm, và chắc chắn. Nối đuôi nhau, bước từng bước một, cây chịu tội tiến vào phòng hơi ngạt. Xếp thành hàng dưới trời xanh, cây thôi xanh, cây vào pháp trường. Đêm hôm qua, đã hàng chục khúc cành khô teo ngã xuống. Lá đã chết từ lâu. Cái chết đầu của lá chỉ còn là kỷ niệm. Trơ trụi, đen thui, mang toàn vẹn cái cảnh tượng ngao ngán của một khu rừng đốt rẫy, cành hỏa thiêu chết đứng một hàng dài. Và tôi nghĩ đến đoản thiên “Chiếc lá cuối cùng”. Đến cô nhỏ tê liệt nhìn ra từ một bờ cửa sổ. Cái cây trước khung cửa là người bạn duy nhất. Mùa đông dài. Tuyết đời hung dữ. Mỗi buổi sớm một phiến lá rụng xuống. Trên một đầu cành, chỉ còn một phiến lá cuối cùng. Chiếc lá cuối chót ấy đậu lâu hơn. Được một buổi sáng thêm. Thêm một buổi sáng nữa. Chỉ là gã da đen làm vườn nhân hậu đã lén buộc vào cuống là một sợi chỉ. Nhưng rồi phiến lá cuối cùng một buổi sáng kia vẫn rụng. Và trên một chiếc xe lăn, đứa nhỏ tê liệt đã chết cùng. Vì cả hai đời cây cùng đã chết một màu xanh. Cây cối đang bị đe dọa trầm trọng của thành phố chúng ta đang cần những sợi chỉ ấy của người làm vườn da đen.
Chiều nay, đứng trên cái thượng tầng lộ thiên và cao ngất của một khách sạn bảy tầng ngó xuống, bằng cái nhìn thấy phút nầy đem đối chiếu với cái đã nhìn thấy và còn lưu giữ của một ấn tượng trí nhớ quen thuộc chưa rời bỏ, tôi đã bỡ ngỡ với một cảnh tượng thành phố trải rộng trước tầm mắt. Mới ngày nào đây thôi, cái chung quanh tôi còn là một biển xanh lam. Cõi lá xanh là một đại dương mênh mông. Những chùm mái nhà nhấp nhô tự đó ngoi lên, mới chỉ như những vùng quần đảo nhỏ. Thành phố là một khu vườn vĩ đại tràn chiếm. Nhà cửa nghỉ ngơi ở giữa. Mỗi ngôi nhà mang linh hồn một biệt thự. Lá đỡ mái, thành những vòng tay tình nhân. Cành nghiêng tường, thành những mái đầu bằng hữu. Buổi chiều, gió nổi, cái cảnh tượng um tùm dịu dàng chuyển động. Nắng gối đầu trên những tàng cây là sóng múa. Gió thổi qua trên những võng cây là thuyền trôi. Và buổi tối, và ban đêm, những ánh điện là những vì sao lấp lánh trên nột nền trời là cái biển xanh muôn trùng rải khắp. Bây giờ, biển ấy đã rút xuống. Trời ấy đã sập rồi. Và trên một hiện tượng khai quang mọc lên, như nấm độc, như gai nhọn, những hình thù quái gở. Đó là những cột thu lôi, từng mũi nhọn hoắt chọc thủng nền trời. Đó là cái rừng giây điện đan dầy hoa mắt. Đó là cái biển ăng-ten tua tủa lởm chởm. Đó là những cột ống khói thả chất độc vào lênh láng những cống rãnh không gian. Đó là những nóc nhà chọc trời, những cái hộp lớn, lênh đênh vô lối. Đó là những lòng mái lõa thể, những vi tường trần truồng. Thành phố thoát y. Thành phố hết là cái hiện tượng che nửa mặt hoa. Cái đầu nó trọc lốc. Cái thân nó khô đét. Thay cho một tấm áo lụa xanh dịu dàng của cây, những khăn quàng mềm mại của lá, thành phố đang cắm dần thêm mãi, trên cái hình thể kim khí những chùm lông dím mới. Và dưới thấp, những đời cỏ, những đời cành chết dần trên những nghĩa địa đường.
Những đời cây nhỏ mới ở đâu ? Hãy mọc và hãy lớn mau lên. Tơ và chỉ mới, dâu và tầm, kén vàng óng và những thảm họa xanh nõn ở đâu ? Hãy may. Hãy dệt. Cho một thành phố, cho một thời đại, hãy đặt gấp những khung cửi, dựng gấp những vườn ươm, đan gấp những võng xanh, thêu gấp những áo biếc. Bởi vì nếu mỗi đời sống chúng ta là hình ảnh một đời cây và nếu thời đại này như thành phố đang đổi thay thì một trận lửa đốt rẫy và một liều thuốc khai quang đích thực đang hỏa thiêu và đang đính dần từng bản án tử hình lên những màu xanh, những chất xanh và những tính xanh hiền hậu.
Mai Thảo (1927 – 1998), nhà văn miền Nam 1954- 1975, nổi tiếng với các tiểu thuyết bằng một lối văn bay bướm riêng. Ông được nhắc tới nhiều nhất với tập thơTa thấy hình ta những miếu đền, do nhà xuất bản Văn Khoa ấn hành ở hải ngoại năm 1989. Nhưng Mai Thảo còn là nhà văn quan trọng ở vai trò sáng lập nhóm Sáng Tạo và điều hành tạp chí Văn cho đến khi ông qua đời tại California năm 1998.
(nguồn :Gió O)
">
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét